Chiều, ngày 13 tháng 3 năm 2019 Ban Chỉ đạo 601 Tỉnh ủy làm với Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh về Cơ việc Cơ sở báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lại Văn Vị - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn; đồng chí Lê Viết Trực - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; cùng các thành viên của đoàn công tác và Ban Giám đốc, Lãnh đạo các phòng chuyên môn Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh.
Tại buổi làm việc đồng chí Đoàn Văn Tứ - Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở Báo cáo đoàn công tác
Về cơ sở vật chất: Các buồng học viên đang xuống cấp, chưa có phòng điều trị bệnh riêng cho học viên nữ và phòng điều trị cách ly đối với các học viên mắc các bệnh truyền nhiễm HIV, viêm gan A, B, C. Nhà ở tập thể của cán bộ chưa được xây dựng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho học viên sảy ra thường xuyên, học viên phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo để sinh hoạt. Máy móc trang thiết bị y tế được cấp đã cũ nên khó khăn trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh cho học viên. Hệ thống loa phát thanh cho công tác giáo dục, tuyên truyền thường xuyên hỏng không đáp ứng truyền tín hiệu âm thanh đến các khu học viên, hệ thống chiếu sáng xung quang cơ sở chưa đủ nên còn khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát.
Về công tác quản lý học viên: Cơ sở có địa hình giáp đồi núi, có đường dân sinh đi qua và gần khu dân cư nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý học viên, phòng chống thẩm lậu và an ninh trật tự trên địa bàn Cơ sở. Một số đối tượng là học viên đã hết thời hạn về địa phương quay trở lại để thẩm lậu đồ cấm cho các học viên đang quản lý tại Cơ sở.Các học viên vào Cơ sở nhiều thành phần có nhiều tiền án, tiền sự, đối tượng cộm cán luôn có tư tưởng chống đối gây khó khăn trong công tác quản lý. Chế tài xử lý học viên vi phạm không đủ sức thuyết phục và chưa đủ mạnh để dăn đe gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị cắt cơn và điều trị Methadone:Các đối tượng khi vào xác định tình trạng nghiện luôn có tư tưởng, hành vi chống đối đe dọa cán bộ, không hợp tác, vì hiện tại chưa có quy định hay quy chế quản lý các đối tượng vào xác định tình trạng nghiện.
Một số đối tượng dùng ma túy tổng hợp (ATS) không có biểu hiện như trong tiêu chí xác định tình trạng nghiện (vì có những đối tượng có hội chứng cai rất lâu) vì vậy trong 03 đến 05 ngày rất khó xác định. Bên cạnh đó thời gian xác định tình trạng nghiện tại Cơ sở kéo dài tối đa 03 ngày đối với nhóm Opiats, 05 ngày đối với nhóm Amphetamine, nhưng trong Luật pháp không quy định đối tượng này thuộc diện tạm giữ nên gây khó khăn cho Cơ sở. Các lực lượng chức năng khi đưa học viên vào xác định tình trạng nghiện thường thiếu các thông tin liên quan. Có những đối tượng đã bị xử lý vi phạm hành chính 2 lần vẫn đưa vào xác định tình trạng nghiện là không phù hợp.
Người nghiện ma túy nhóm ATS là những người thường có biểu hiện lâm sàng đa dạng ( hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm…), có các hành vi nguy hiểm : đập phá, đánh người, tự thương…. đòi hỏi phải được theo dõi, chăm sóc, điều trị đặc biệt, có phòng cách ly riêng biệt, thời gian điều trị có thể kéo dài hàng năm, cần có phòng điều trị riêng và được chuyển tuyến chuyên khoa điều trị. Đặc biệt có những trường hợp các biểu hiện rối loạn tâm thần sau cai ma túy kéo dài hàng năm điều trị không hiệu quả, đối với những trường hợp này cần sự hợp tác của gia đình đưa đi chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Các bệnh nhân điều trị Meththadone là học viên cai nghiện ở Cơ sở tham gia điều trị thường mắc nhiều các bệnh phát sinh do kết quả của quá trình sử dụng ma túy mang lại nên quá trình điều trị thường bị gián đoạn do phải đi chữa bệnh; Chưa có nguồn kinh phí quy định về chế độ dinh dưỡng dành riêng cho đối tượng này.
Công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên tại Cơ sở: Nhu cầu đào tạo nghề của học viên tại Cơ sở cao, kinh phí đầu tư dành công tác dạy nghề còn thiếu, trong Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 của UBND tỉnh Sơn La v/v phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2019 không có chỉ tiêu giao đào tạo nghề về đơn vị, do đó Cơ sở gặp nhiều khó khăn so với nhu cầu học viên hiện nay.
Việc thực hiện sắp xếp, giải thể, sáp nhập Cơ sở Điều trị nghiện ma túy Thuận Châu về Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh: Cơ cấu tổ chức, bộ máy chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Cơ sở vệ tinh (tại Quyết định 3314/QĐ-UBND quy định Cơ sở vệ tinh là tổ chức tương đương phòng). Cơ sở vệ tinh đặt tại huyện Thuận Châu nằm xa Cơ sở chính, tình hình hoạt động Cơ sở vệ tinh thường xuyên có nhiều biến động, nhất là các chế độ, thủ tục hành chính hàng ngày liên quan đến học viên như học viên đi chữa bệnh, về chịu tang, học viên trốn... Do đó việc sử dụng con dấu, chữ ký lãnh đạo để giải quyết các thủ tục cho học viên tại Thuận Châu phải đi lại xa, thủ tục bị chậm chễ, công việc không được giải quyết kịp thời.
Về công tác cán bộ: Lực lượng cán bộ đông chưa được chuẩn hóa về bằng cấp chuyên môn phù hợp với quy định hiện hành. Việc đào tạo chuẩn hóa văn bằng, chứng chỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn chức danh còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ còn chưa được thường xuyên.
Việc thực hiện theo thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người là việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2019 còn gặp khó khăn, vướng mắc:
Gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc triển khai thực hiện xác định tình trang nghiện, hỗ trợ cắt cơn tại cơ sở.
Cơ sở có quy mô lớn, có số lượng học viên đông thường xuyên dao động từ 1500-1600 học viên/thời điểm, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nếu quản lý tập trung sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý. Do vậy để đảm bảo công tác quản lý học viên, tách các nhóm đối tượng học viên thành các bộ phận quản lý học viên riêng rẽ, Cơ sở cần có Phòng Quản lý học viên cai nghiện tự nguyện để quản lý đối tượng học viên tự nguyện, hỗ trợ cắt cơn, xác định tình trạng nghiện, Điều trị Methadone. Việc cơ cấu tổ chức không quá 5 phòng là không phù hợp.
Theo quy định của Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH cơ sở có từ 100 học viên trở lên thì có Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc. Căn cứ trên thực tế công tác quản lý học viên của cơ sở luôn dao động trong khoảng 1500-1600 học viên/ thời điểm, nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau, có thêm cơ sở vệ tinh xa trụ sở chính. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định trên rất khó khăn cho công tác quản lý điều hành.
Theo quy định của Thông tư các địa phương tùy tình hình thực tế được thành lập các ban, khu, đội, điểm vệ tinh tuy nhiên trong Thông tư không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ phận này.
Ý kiến của đồng chí Lê Viết Trực, Giám đốc Sở LĐTB&XH
Đề xuất kiến nghị:
Đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí xây dựng nhà ở cán bộ, xây dựng phòng cánh ly bệnh nhân nặng mắc các bệnh truyền nhiễm, nâng cấp trang thiết bị y tế, giếng nước, hệ thống chiếu sáng, hệ thống loa phát thanh.
Đề nghị các Bộ, Ngành nghiên cứu ban hành Thông tư, Hướng dẫn, chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp học viên vi phạm trong các Cơ sở cai nghiện đảm bảo tính răn đe; Ban hành các quy định về quản lý đối tượng trong thời gian xác định tình trạng nghiện, hỗ trợ cắt cơn cai nghiện; Ban hành các quy định về kinh phí hỗ trợ học viên xác định tình trạng nghiện bị ốm đau, kinh phí dành cho đối tượng điều trị Methadone.
Đề nghị UBND tỉnh có văn bản bổ sung nhiệm vụ xác định tình trạng nghiện và hỗ trợ cắt cơn cho Cơ sở;
Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến đối với địa phương để xác nhận thông tin học viên một cách chính xác; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân về nghiện ma túy, điều trị cai nghiện ma túy đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện.
Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề hàng năm đáp ứng nhu cầu học nghề của học viên tại Cơ sở.
Đề nghị UBND chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Thuận Châu sớm hoàn tất các thủ tục về đất đai tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy huyện Thuận Châu; Ban hành quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cơ sở vệ tinh.
Với quy mô hiện tại, đề nghị xem xét có cơ chế đặc thù đối với đơn vị; giữ nguyên cơ cấu tổ chức bộ máy; các phòng chuyên môn; biên chế hiện tại của Cơ sở; bổ sung lãnh đạo cấp phó cho Cơ sở 04 phó giám đốc trong đó 03 phó giúp giám đốc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao tại đơn vị, 01 phó giám đốc phụ trách quản lý Cơ sở vệ tinh huyện Thuận Châu.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giải trình thêm những vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh.
Ý kiến kết luận của đồng chí Lại Văn Vị, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lại Văn Vị ghi nhận những cố gắng của Cơ sở, trong những cuộc họp tới sẽ cùng đồng chí Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội là thành viên Ban chỉ đạo 601 báo cáo cho tỉnh về những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, giải quyết. Tiếp đó, đoàn làm việc trực tiếp xuống thăm và kiểm tra thực tế tại các khu chữa bệnh, khu nhà ở dành cho học viên và kiểm tra nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho học viên đang cai nghiện tại Cơ sở để có cơ sở báo cáo./.
HÌNH ẢNH ĐOÀN CÔNG TÁC KIỂM TRA THỰC TẾ
Đoàn công tác kiểm tra nguồn nước sinh hoạt của học viên
Đoàn công tác kiểm tra nguồn nước sinh hoạt của học viên
Nguồn nước ít ỏi chứa trong bể nước được học viên sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày đục bẩn và có mùi
Đoàn công tác thăm, kiểm tra các buồng ở học viên
Đoàn công tác thăm, kiểm tra khu y tế chữa bệnh, cắt cơn cho học viên