Phòng Giáo dục Dạy nghề - thuộc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, có chức năng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tư vấn bằng các liệu pháp tâm lý, phục hồi nhân cách, dạy xóa mù chữ, dạy các ngành nghề phù hợp cho học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Với một tập thể gồm 17 thầy, cô giáo, đa số được đào tạo cơ bản về chuyên nghành sư phạm đã luôn đoàn kết, thống nhất tập trung cùng hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xác định tuyên truyền, giáo dục là công tác cơ bản nhằm giúp học viên là những người nghiện ma túy có một quá khứ lầm lỗi, thay đổi nhận thức và hiểu biết đúng về Pháp luật, về đạo đức lối sống, về sức khoẻ... trên cơ sở đó tự mình xây dựng quyết tâm, nghị lực từ bỏ ma tuý. Mỗi thầy, cô giáo nơi đây luôn rèn luyện cho mình lập trường tư tưởng vững vàng, gương mẫu trong mọi công việc được giao tập trung nghiên cứu các văn bản, các tài liệu nghiệp vụ của Trung ương, của tỉnh và của ngành để nắm bắt áp dụng với những kinh nghiệm vận dụng vào thực tế để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động giáo dục, lên lớp tuyên truyền và tổ chức học tập rèn luyện cho các học viên cai nghiện tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La.
Phóng sự Những người thầy và lớp học "không có tuổi"
Trong những năm qua, Học tập tấm gương của Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, trong mỗi ngày tập thể cán bộ viên chức đều dành 30 phút đầu giờ để giao ban rút kinh nghiệm và trao đổi những cách làm hay trước khi triển khai công việc chuyên môn của từng bộ phận. Do đó chất lượng nội dung trong công tác tuyên truyền giáo dục cho các học viên cai nghiện tại Cơ sở luôn được đổi mới, phát huy được tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nhiều hình thức phong phú: Tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, sinh hoạt tổ, đội… thường xuyên tổ chức lên lớp tuyên truyền giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi nhân cách cho học viên với nhiều nội dung như tìm hiểu về pháp luật, về sức khỏe, về kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống ma túy…để nâng cao nhận thức cho học viên. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề bởi nhu cầu lớn vì số lượng học viên đông, tính chất học viên phức tạp, đa dạng, trình độ văn hóa không đồng đều, ý thức hợp tác trong học tập của một số học viên chưa tốt do đó mỗi cán bộ viên chức trên mặt trận giáo dục đặc thù này phải có sự tâm huyết với nghề, kiên trì và trách nhiệm mới có thể giáo dục cảm hóa và làm tốt trọng trách được giao.
Ngoài công tác tư vấn và trực tiếp lên lớp tuyên truyền giáo dục đòi hỏi mỗi cán bộ viên chức “phải giỏi một việc và biết nhiều việc” mới có thể thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Ngoài việc thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn, lên lớp giảng dạy văn hóa, giáo dục tuyên truyền, các thầy, cô giáo còn phải thực hiện tốt các kỹ năng về công tác tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho học viên vào các dịp Tết Nguyên đán; Các buổi giao lưu, tọa đàm nhân các ngày lễ, lịch sử của đất nước, Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6, Ngày Quôc tế phòng chống HIV/AIDS 01/12; ngày quốc tế phụ nữ 8/3; 20/10… kỹ năng biên tập các chương trình thu, phát bằng tiếng phổ thông và tiếng Thái qua loa phát thanh cho các học viên hàng ngày đạt hiệu quả cao. Tổ chức có chất lượng các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; thi sáng tác thơ, bài hát, kịch về đề tài ma túy, mại dâm, HIV/AIDS…cho hàng ngàn lượt học viên tham gia tạo không khí thân thiện cởi mở góp phần làm thay đổi về nhận thức, hành vi của các học viên. Để nâng cao chất lượng văn hóa tinh thần cho các học viên thầy, cô giáo dục còn phải biết tổ chức chiếu phim phóng sự, phim tư liệu tuyên truyền phòng, chống bệnh lao, HIV/AIDS, phim tâm lý xã hội cho học viên; Tổ chức thư viện hoạt động thường xuyên nâng cao văn hóa đọc sách cho cán bộ, học viên tại Cơ sở… Bên cạnh đó người Thầy, cô giáo nơi đây còn phải là người thực sự có tâm, có đức, có tình thương và lòng nhân ái, thương yêu, chia sẻ từng tấm chăn, chiếc áo trong những mùa đông giá lạnh với những mảnh đời lạc lối. Nhiều học viên ban đầu trình độ nhận thức yếu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, trây ỳ, không hợp tác trong học tập, rèn luyện nhưng qua thời gian ngắn được điều trị, giáo dục, giúp đỡ tận tình đã cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của thầy, cô đã thay đổi trong suy nghĩ từ cách nói, đến ý thức tu dưỡng rèn luyện không chỉ được cảm hóa giáo dục, thay đổi ý thức chấp hành tốt mà còn trở thành nhân tố tích cực giúp đỡ các học viên khác cùng tham gia vào công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Các thầy, cô thường nói vui với nhau rằng “chưa có một trường lớp nào đào tạo về nghề cai nghiện ma túy” nhưng, với kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền, sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, sự đoàn kết của tập thể phòng giáo dục Dạy nghề tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La với lòng yêu ngành, yêu nghề các thầy, cô giáo đã khắc phục, vượt qua mọi điều kiện khó khăn, vất vả để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cảm hóa làm thay đổi hành vi nhân cách, lối sống của những con người lầm lỗi, đóng góp một phần không nhỏ trong công tác phòng chống tái nghiện và giảm tải áp lực về tệ nạn ma tuý cho xã hội. Đã bao nhiêu lượt học viên trở về cộng đồng làm người có ích cho gia đình và xã hội, các thầy, cô giáo nơi đây mặc dù, dưới những tán phượng đỏ rực không được nghỉ hè như bao giáo viên khác và công việc càng áp lực hơn trong cái nắng, nóng của mùa hè, trong những ngày nghỉ, ngày lễ, tết nhưng họ luôn là những bông hoa đẹp trong vườn hoa của ngàn việc tốt trong ngành Lao động Thương binh và xã hội./.
Biên tập: Phòng Giáo dục dạy nghề