Ngày 26 tháng 8 năm 2020 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác giám sát, tiếp nhận điều trị cai nghiện ma túy tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Phòng, chống TNXH; đồng chí Hoàng Thị Kim Tình, Chuyên viên phòng Phòng, chống TNXH; Đồng chí Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sơ Điều trị nghiện ma túy tỉnh; đồng chí Phùng Đức Sơn, Phó Giám đốc Cơ sở; đồng chí Hoàng Bích Thủy, Phó Giám đốc Cơ sở; cùng các đồng chí Trưởng phòng thuộc Cơ sở.
Trong 8 tháng đầu năm 2020 Cơ sở đã tổ chức tiếp nhận học viên xác định tình trạng nghiện và vào cai nghiện, trong đó: Xác định tình trạng nghiện ma túy: 367 học viên; Hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy: 380 học viên; Cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP: 539 học viên; Cai nghiện tự nguyện: 16 học viên
Tính đến ngày 20/8/2020 có mặt tại Cơ sở 1.507 học viên trong đó Cơ sở tỉnh 1.367 học viên (BB 1.328; TN 18; HTCC 19; XĐTTN 02); cơ sở vệ tinh 140 học viên (BB 113; HTCC 23; XĐTTN 04).
Các học viên được tiếp nhận vào Cơ sở đều được tư vấn về các phương pháp điều trị cai nghiện, khám sức khỏe ban đầu và lập hồ sơ bệnh án, xét nghiệm. Kiểm tra về đồ dùng quân tư trang nhằm loại bỏ vật, chất cấm và được hướng dẫn thực hiện nội quy quy chế quản lý tại Cơ sở.
Quang cảnh buổi làm việc
Trong 8 tháng đầu năm 2020 có 1.302 lượt học viên (trong đó điều trị cắt cơn 935; XĐTTN 367) vào cai nghiện được phân loại; xây dựng kế hoạch, phác đồ điều trị cai nghiện dựa trên các tiêu chí như: Loại ma túy sử dụng; mức độ sử dụng trong ngày; thời gian sử dụng ma túy; đường dùng; số lần cai nghiện… nguyên nhân nghiện ma túy và rối loạn tâm lý của người nghiện ma túy.
Đa phần các lượt học viên được điều trị cắt cơn giải độc theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Điều trị hỗ trợ cắt cơn từ 10 - 20 ngày, đa phần đều phục hồi sức khỏe tốt. Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2020 có 01 học viên đang điều trị cắt cơn bị tử vong do trụy tim mạch không rõ nguyên nhân (tại cơ sở vệ tinh).
Học viên sau khi điều trị hỗ trợ cắt cơn được tuyên truyền, tư vấn, học các nội quy, quy định; rèn luyện thể lực; sắp xếp, loại hình lao động phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của học viên. Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu nhằm phục hồi những kỹ năng trong lao động, giúp đào thải nhanh chóng các chất độc ra khỏi cơ thể. Đặc biệt các hoạt động lao động không đặt nặng giá trị vật chất mà luôn gắn liền với công tác dạy nghề, hướng nghiệp giúp cho các học viên phục hồi khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, dễ tìm được việc làm ổn định trong cuộc sống.
Tổ chức quản lý học viên theo khu, theo từng buồng khoảng 40 đến 50 học viên một buồng và chia thành từng tổ, đội, có các đội trưởng, tổ trưởng quản lý. Bao gồm các khu như: Khu A, B, C, khu y tế điều trị.
Hàng tuần tổ chức cho học viên tham gia sinh hoạt tổ, đội theo lịch. Trong sinh hoạt cán bộ quản lý thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời các khúc mắc trong học viên không để sảy ra bạo loạn, bạo động hay trốn chạy tập thể.
Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục cho các học viên bằng các hình thức như lên lớp tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, phát thanh, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ tìm hiểu về ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội khác. Cụ thể:
- Rèn luyện thể chất: 199 buổi với số học viên tham gia là : 5.031 lượt.
- Tuyên truyền về giá trị đạo đức và đạo đức lối sống, phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh theo mùa và phòng HIV/AIDS 102 buổi bằng 4.182 lượt học viên.
- Tuyên truyền về nội quy, quy định của Cơ sở các chính sách, pháp luật của nhà nước về chế độ của tỉnh trong công tác phòng chống ma tuý với tổng: 101 buổi bằng 4.137 lượt học viên.
- Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của cơ sở vào các buổi sáng, trưa, tối bằng tiếng phổ thông 264 buổi; bằng tiếng dân tộc thái 84 buổi (đã phát được 751giờ phát thanh).
Ngoài chương trình tuyên truyền tư vấn, giáo dục theo quy định, Cơ sở còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo sân chơi lành mạnh trong học viên.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tư vấn hướng dẫn cho học viên xây dựng kế hoạch biết và nắm được về các chế độ chính sách, các dịch vụ y tế liên quan đến cai nghiện ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV; hỗ trợ tạo việc làm, giới thiệu các ngành nghề, các câu lạc bộ giúp đỡ phòng chống tái nghiện; định hướng kinh tế để ổn định cuộc sống, các nguồn vốn của nhà nước đối với người nghiện sau cai … Kết quả 8 tháng đầu năm 2020 đã tổ chức tư vấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch được 10 buổi với 502 lượt học viên.
Các kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng được Cơ sở gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi học viên cư trú và kèm theo các nhu cầu của học viên cần sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng để thực hiện khi học viên trở về địa phương.
Nhằm khích lệ các học viên trong Cơ sở cai nghiện phấn đấu quyết tâm từ bỏ ma túy, thực hiện tốt các quy định của đơn vị. Định kỳ hàng tháng Cơ sở chỉ đạo phòng Bảo vệ quản lý học viên phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức sinh hoạt đánh giá kết quả việc chấp hành nội quy của từng học viên hàng tuần, tháng và đề nghị biểu dương khen thưởng đối với những học viên có những tiến bộ và thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, lao động trị liệu. Xử lý nghiêm những học viên không chấp hành, cố tình chống đối, gây mất an ninh trật tự tại Cơ sở.
Đề xuất kiến nghị
Ban hành Thông tư, Hướng dẫn, chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp học viên vi phạm trong các Cơ sở cai nghiện đảm bảo tính răn đe.
Đưa công tác cai nghiện ma túy vào danh mục các nghề độc hại, nguy hiểm của ngành Lao động Thương binh và Xã hội.
Sửa đổi định mức cán bộ quản lý học viên; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tăng số lượng lãnh đạo quản lý cấp phó Giám đốc; cơ cấu tổ chức của ban, khu, đội, điểm vệ tinh và chế độ phụ cấp đối với các trưởng, phó ban, khu, đội, điểm vệ tinh được quy định trong Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH.
Sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn các nội dung trong thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015 quy định thẩm quyền thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng đảm bảo chặt chẽ quản lý các đối tượng trong thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy tại các cơ sở theo đúng pháp luật.
Chỉ đạo các địa phương và gia đình phối hợp kịp thời với cơ sở trong công tác hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận, bàn giao và quản lý học viên tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.
Kết luận tại buổi làm việc đồng chí Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội ghi nhận kết quả mà Cơ sở Điều trị nghiện ma túy đã và đang thực hiện. Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh Covid – 19, phối hợp với một số đơn vị trong việc đào tạo, dạy nghề, lao động trị liệu cho học viên. Về một số khó khăn đang vướng mắc thì sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.