Các BS Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân T.B.T (SN 1994) nhà ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, suy hô hấp nặng và sốt tới 41 độ. Trước đó, T đã cùng bạn vừa hút cần sa, vừa sử dụng ma túy tổng hợp.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong nước tiểu của bệnh nhân có phản ứng dương tính với các chất MDMA và Methamphetamin. Đây là các chất có trong ma túy dạng “đá” và có tác dụng nhanh theo đường tiêm chích hoặc hút, nhưng chuyển hóa rất chậm. Đặc biệt Methamphetamin có tác động gây tạm thời mất cảm giác thèm ăn, tăng nhịp tim, tăng huyết áp khiến người sử dụng luôn ở trạng thái thức tỉnh, căng thẳng, hứng tình về cả tâm lý lẫn thể chất. Khi chúng tôi tới hỏi thăm, cô gái này đã điều trị được 20 ngày nhưng gần như vẫn ở tình trạng mất nhận thức cả về không gian lẫn thời gian, trí nhớ lẫn lộn.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, do sử dụng ma túy quá nặng nên T đã tổn thương các cơ, nhất là tổn thương não và rất khó để ổn định lại như ban đầu.
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội
Theo các bác sỹ, không chỉ ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe, gây hôn mê, co giật tức thời hay tự gây thương tích cho bản thân, ngộ độc cấp tính ma túy đá cũng gây ra biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, xuất huyết não, viêm cơ, suy thận, rối loạn tâm thần. Trong số những bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp dẫn tới hoang tưởng, rối loạn tâm thần phải vào Trung tâm chống độc điều trị, nhiều người không thể hồi phục như ban đầu.
Nếu sử dụng liều cao gây kích thích không yên, thích quan hệ tình dục tập thể, vã mồ hôi, run tay chân, tăng thân nhiệt. Nếu nặng trên tình trạng kích thích thì bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng ngộ độc, nhịp tim và huyết áp tăng; tăng thân nhiệt; giãn đồng tử; thở nhanh; khô miệng và khó nuốt, nếu nặng có thể gây tình trạng mất nước và sốt cao... bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo Bs. La Đức Cương – Nguyên Giám đốc bệnh viện tâm Thần trung ương, nguyên nhân của sốc ma tuý đá thường do lượng ma tuý dùng và đặc biệt là độ tinh chế của loại thuốc đó. Nếu thuốc đó có độ tinh chế cao hơn thì nguy cơ ngộ độc ít hơn. Còn ma tuý đá có độ tinh chế thấp, nhiều tạp chất thì nguy cơ ngộ độc cao hơn bởi các tạp chất này không ai biết là gì, không kiểm soát được.
Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc ma túy đá cũng xảy ra ở từng người vì ma tuý còn theo cơ chế dung nạp của mỗi người. Có thể cũng cùng loại thuốc đó nhưng có người ngộ độc có người không, bởi nó tuỳ thuộc vào người đó sử dụng lần đầu hay sử dụng nhiều lần. Người sử dụng mới bao giờ nguy cơ sốc cũng cao hơn người dùng nhiều lần.
Cũng theo vị nguyên giám đốc BV Tâm thần TƯ 1, hiện nay chưa có thống kê về sốc ma tuý đá nhưng ghi nhận tại các cơ sở y tế, bệnh viện trong cả nước thì có nhiều trường hợp sốc ma tuý đá phải nhập viện điều trị, có những bệnh nhân nặng rơi vào ngộ độc và có thể tử vong.
Nguồn: https://www.tienphong.vn