Tháng 1/2023, anh Lường Văn Quý, bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, được đưa đến Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh để cai nghiện bắt buộc, thời gian 18 tháng. Tại đây, anh được cán bộ, viên chức của cơ sở hỗ trợ cai nghiện, cắt cơn, giải độc, được đào tạo nghề làm tóc giả. Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm vừa hoàn thiện của mình, anh Quý phấn khởi: Được cán bộ giúp đỡ, tôi đã thành thạo kỹ thuật đan lát. Nhờ tập trung làm việc, tôi quên đi cảm giác thèm thuốc và thấy sức khỏe của mình ổn định hơn.
Học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được cán bộ hướng dẫn học nghề cắt may
Còn anh Cầm Văn Thời, bản Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La, thực hiện cai nghiện bắt buộc thời gian 22 tháng. Anh Thời chia sẻ: Được cán bộ, nhân viên Cơ sở hỗ trợ điều trị, tôi thực hiện tốt quy trình cai nghiện. Sau này hoàn thành thời gian cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ sử dụng nghề mình học được để ổn định cuộc sống.
Hiện nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh thực hiện điều trị cai nghiện cho 1.861 học viên. Thực hiện quy trình chung về cai nghiện ma túy theo quy định; trong đó, lao động trị liệu là một trong 5 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy. Thời gian đầu tập trung cắt cơn, hằng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định tư tưởng, tâm lý, sức khỏe. Sau đó, trên cơ sở những nghề phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý, sức khỏe, khả năng tìm kiếm việc làm và năng khiếu, Cơ sở sẽ tiến hành đào tạo nghề cho các học viên.
Trước đây, hoạt động lao động trị liệu chủ yếu là dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc rau, bây giờ đơn vị tổ chức học viên thành các đội lao động trị liệu với các nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, như: Nấu ăn, trồng và chăm sóc rau, chăm sóc cây giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm, may quần áo, khâu bóng, đan lát, quấn linh kiện điện tử…
Học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh lao động trị liệu nghề đan lát
Với mục tiêu tất cả học viên sau khi điều trị cắt cơn, nâng cao thể trạng đều được tham gia truyền nghề và lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe, Cơ sở đã ký hợp đồng với một số đối tác, doanh nghiệp để cung cấp nguyên vật liệu, truyền nghề cho học viên. Đồng thời, xây dựng lịch lao động trị liệu bảo đảm đúng quy định và phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù. Thời gian lao động trị liệu được điều chỉnh linh động, phù hợp với thực tế hoạt động sinh hoạt của học viên.
Bà Ngô Thị Hậu, Phó trưởng Phòng Lao động trị liệu - hướng nghiệp, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, chia sẻ: Hầu hết các học viên đều có ý thức trong tham gia lao động trị liệu, thực hiện tốt nội quy, quy định. Đa số các sản phẩm lao động trị liệu của học viên được doanh nghiệp chấp nhận. Kinh phí thu được qua kết quả lao động trị liệu, Cơ sở sử dụng chi cho bữa ăn của học viên và các hoạt động chung, như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hỗ trợ để học viên yên tâm cai nghiện.
Học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh học nghề khâu bóng
Việc triển khai lao động trị liệu đối với học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã giúp các đối tượng nâng cao thể trạng, tinh thần, phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy. Đồng thời, giúp học viên tiếp cận thêm nhiều ngành nghề, tăng cơ hội tìm việc làm, hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất giúp các học viên có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống và chống tái nghiện hiệu quả./.
Nguồn: Báo Sơn La