Đó là thực trạng báo động được nêu ra tại cuộc họp về công tác đưa người nghiện ma túy đi cai do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 6.5...
Một nghi phạm cướp giật là người nghiện ma túy
Báo cáo của ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH, cho biết thống kê trên địa bàn TP hiện có đến 11.953 người nghiện có nơi cư trú ổn định, nhưng chỉ 841 người đăng ký cai nghiện tại cộng đồng, gia đình (cùng với cai nghiện bắt buộc, là 3 hình thức cai nghiện được quy định hiện nay).
Theo ông Du, người nghiện tràn lan nhưng hầu như không đưa được ai đi cai, bởi theo quy định hiện nay người nghiện phải cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, nếu như tái phạm thì mới áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, quy trình thủ tục cho việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình rất rườm rà, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng khiến TP “bó tay”. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 03 của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế, Bộ Công an có quy định điều kiện cơ sở vật chất để hỗ trợ cắt cơn và điều trị nghiện tại cộng đồng, nhưng thực tế tại các quận, huyện không đáp ứng được yêu cầu; chưa có mẫu hướng dẫn thống nhất việc lập hồ sơ, đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục tạm giữ người nghiện trong quá trình xác định tình trạng nghiện; chưa có hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thi hành đối với người nghiện không tự giác chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Cuộc thi tìm hiểu công tác phòng, chống ma túy các Trung tâm Giáo dục Lao động tại tỉnh Sơn La
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, bức xúc: “TP.HCM là điểm nóng về vấn đề người nghiện. Để đảm bảo an toàn cho môi trường sống của đại bộ phận người dân TP, Sở đã nhiều lần kiến nghị các bộ ngành T.Ư nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì hết”.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận tình trạng người dân không yên tâm khi ra đường vì luôn lo sợ cướp giật lộng hành. Theo bà Thu, TP rất muốn giúp đỡ người nghiện đi cai bắt buộc ở các cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc, ổn định tâm lý, có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích. Tuy nhiên, việc làm này đang “đứng bánh” vì bị vướng luật nên rất cần sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị để tháo gỡ kịp thời các khó khăn. “Số lượng người nghiện không giảm nhưng để đưa một người nghiện ra tòa để áp dụng biện pháp cai bắt buộc là rất dài, khi xử xong rồi lại không có biện pháp giữ người nghiện khiến họ bỏ trốn. Vì thế, nguy cơ tình hình vốn đã phức tạp càng thêm phức tạp”, bà Thu lo lắng và chỉ đạo các sở ngành liên quan tham mưu để TP tiếp tục kiến nghị T.Ư đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, nhằm đưa tất cả những người tái nghiện đi cai bắt buộc.
Nguồn:(http://thanhnien.vn)